Social Media

28 Th3 2024

Bài viết

Tin tập đoàn

“Xanh hóa” môi trường khai thác than

Là ngành sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, những năm qua, ngành Than đã xác định việc gắn phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài trong suốt quá trình phát triển.

Các đơn vị trong ngành đã đầu tư để triển khai nhiều giải pháp cải tạo, phục hồi, BVMT. Nhất là khi Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than giai đoạn 2016-2020 được triển khai đã góp phần hạn chế những ảnh hưởng từ khai thác, sản xuất, kinh doanh than tới đời sống người dân và môi trường xung quanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Cải tạo, phục hồi môi trường

Ở vùng than Quảng Ninh, nhiều năm qua, hoạt động khai thác than đã tạo sức ép lớn lên môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở TN&MT Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 59 dự án khai thác than 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động, mỗi năm đổ thải khoảng từ 250 – 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và khoảng gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than. Trong khi đó, tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển, khi các mỏ lộ thiên ngày càng đào sâu khai thác, lượng đất đá này cũng ngày càng có xu hướng tăng lên. Các bãi đổ thải đã tạo nên những quả đồi lớn như: Cọc Sáu cao 280m, Nam Đèo Nai có độ cao 200m, Đông Cao Sơn cao 300m, Đông Bắc Bàng Nâu cao 150m và Núi Béo cao 240m…

Những bãi đổ thải này trước đây luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá, bùn đất tràn vào nơi sinh sống của các hộ dân dưới chân bãi thải khi trời mưa và bụi phát tán, nhất là khi gió lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân.

Các đơn vị sản xuất than trên địa bàn tỉnh tập trung phủ xanh nhiều bãi thải mỏ

Triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than giai đoạn 2016-2020, từ năm 2017 đến nay, ngành Than đã chú trọng xử lý, phục hồi môi trường bãi đổ thải sau khai thác than bằng việc xanh hóa và đảm bảo an toàn các bãi thải.

Cả Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã rất chú trọng việc trồng cây hoàn nguyên các bãi thải mỏ. Từ năm 2016 đến cuối năm 2020, chỉ riêng TKV đã trồng cây phủ xanh trên 1.825 ha bãi thải, gồm các bãi thải như: Nam Khe Tam – Đông Khe Sim, Đông Cao Sơn, Chính Bắc Núi Béo… Để đẩy nhanh thời gian phủ xanh, Tập đoàn đã triển khai giải pháp trồng cây với mật độ cao. Chẳng hạn, theo yêu cầu, mật độ trồng cây chỉ là 2.500 cây/ha, song để đảm bảo phủ xanh nhanh, giảm thời gian từ 5-6 năm xuống còn 3-4 năm, có những nơi, TKV đã trồng trên 5.000 cây/ha. Với Tổng Công ty Đông Bắc, đơn vị đã san lấp xong khu vực moong khai thác, đồng thời cải tạo phục hồi môi trường lộ vỉa 9a, 9b cánh Nam khu Đồi Sắn, khu vực Lộ Trí, Khe Sim, bãi thải Nam Khe Tam – Đông Khe Sim. Trong năm 2020, Tổng Công ty cũng đã tiếp tục trồng cây phủ xanh 92ha các khu vực bãi thải mỏ như: Nam Tràng Bạch, khu mỏ Khe Sim, mỏ Đông, Nam Khe Hùm…

Không chỉ bãi thải đã dừng hoạt động, với các bãi thải đang hoạt động, nhiều đơn vị khai thác, sản xuất than cũng chỉ đạo trồng cây phủ xanh từng phần để sớm “hồi sinh” những bãi thải đất đá. “Chúng tôi thực hiện việc phủ xanh bãi thải luôn chứ không đợi kết thúc đổ thải toàn bộ mới làm vì mục tiêu của đơn vị là vừa sản xuất phải gắn với xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường luôn” – Ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Công ty Than Cao sơn chia sẻ.

Sau nhiều năm, những đồi keo, phi lao… trồng trên các bãi thải mỏ cũng đã bám rễ sâu, giữ đất, giữ đá, góp phần hạn chế việc đất đá trôi mỗi khi trời mưa như trước đây và lọc không khí tốt hơn cho các khu vực này. Những năm gần đây, đi dọc tuyến quốc lộ 18A, người ta đã không còn nhận ra những bãi thải cao trơ màu nâu sỉ mà thay vào đó là màu xanh mát mắt của những đồi cây dang lên ngày một dày. Đó có lẽ là những đổi thay dễ nhận thấy bằng mắt thường ngay tại những khu vực xung quanh bãi thải mỏ suốt từ nhiều năm nay. Đó cũng là những minh chứng ban đầu cho thấy nỗ lực của ngành than trong việc hoàn nguyên, phục hồi môi trường sau khai thác than.

Hệ thống kè, đập chắn đất, đá tại chân các bãi thải mỏ ngăn ngừa tình trạng sạt lở đất gây ngập lụt tới các khu dân cư tại bãi thải Đông Cao Sơn. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Cùng với đó, việc đổ thải theo đúng quy chuẩn và xây dựng đê, đập chống trôi lấp đất đá cũng được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho dân cư và môi trường xung quanh. 5 năm gần đây, TKV đã xây dựng bổ sung 5 đập và 1.200m đê chắn đất, đá tại chân bãi thải, xây dựng 12 hồ lắng đầu nguồn suối thoát nước, nạo vét thường xuyên hệ thống sông, suối thoát nước giảm thiểu đất đá bồi lấp, ngăn ngừa tình trạng ngập lụt tại các khu dân cư. Đồng thời, TKV đã thực hiện di dời 398 hộ dân tại 9 khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm do ảnh hưởng từ các khu vực khai thác, đổ thải theo Đề án di dân tổng thể của tỉnh Quảng Ninh đảm bảo an toàn dân cư trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, Tổng Công ty Đông Bắc đã thực hiện cải tạo xong các đê số 1, 4 mỏ Nam Tràng Bạch và hoàn thành đập bãi thải đất đá Dự án cải tạo các hồ chứa nước Đông Triều. Từ đó, những ảnh hưởng của bãi thải mỏ tới cuộc sống của người dân xung quanh đã hạn chế dần.

Hướng đến sản xuất “sạch’

Không chỉ “xanh hóa” những “mảng nâu” tại các bãi thải, TKV còn tập trung dành một phần không nhỏ nguồn lực đầu tư hệ thống thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Trong 5 năm, từ 2016-2020, ngành Than đã chi 4,8 nghìn tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường.

Nếu như trước kia tại các đơn vị sàng tuyển, toàn bộ nước sau tuyển rửa được bơm trực tiếp ra hồ lắng, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nguồn đất, nước và không khí thì nay việc đầu tư công nghệ mới, hướng tới sản xuất “sạch” đã khắc phục được những nhược điểm này.

Hệ thống băng tải chuyển than đến công đoạn sấy sau quá trình lọc, ép than bùn giải được bài toán bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, ổn định sản xuất

Các công đoạn của hệ thống được điều khiển tự động

Tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, hệ thống lọc, ép than bùn đưa vào hoạt động từ năm 2018, không chỉ giải được bài toán bảo vệ môi trường, mà còn tiết kiệm tài nguyên, ổn định sản xuất. Hệ thống này cũng đã khắc phục hạn chế trong khâu xử lý bùn nước bằng cách lắng đọng tự nhiên. Bởi không chỉ tận thu tối đa sản phẩm có trong bùn mà công nghệ này còn tránh thẩm thấu nước thải ra môi trường, tránh bay hơi lượng nước, có thể sử dụng triệt để nước tuần hoàn và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường xung quanh. Nước thải được đưa ra hồ đất để lắng tự nhiên, nước tràn sẽ được thu hồi và phục vụ sản xuất của Công ty, không có nước thải ra Vịnh Bái Tử Long.

Ông Nguyễn Quang Chính, Quản đốc Phân xưởng Lọc, sấy than, Công ty Tuyển than Cửa Ông, cho biết: Hệ thống lọc, ép than để xử lý bùn nước của Công ty hiện nay được vận hành theo cơ chế chuyển bùn than từ đáy bể cô đặc của nhà máy sàng tuyển qua trạm bơm chuyển tiếp, rồi được bơm vào thùng khuấy trong nhà máy. Qua máy lọc ép tăng áp, dưới tác dụng của dòng khí nén bùn than được phân tách thành than bùn và nước lọc, do đó, nước thải ra đã giảm thiếu gây ô nhiễm môi trường.

Một thực tế là trước đây ở vùng than, bụi xuất hiện trên nhiều tuyến đường và các khu dân cư gần khu vực khai thác. Người ta chỉ dùng xe ô tô để tưới nước hoặc dùng hệ thống đường ống dẫn nước và đầu pép phun nên hiệu quả dập bụi không cao, tiêu tốn nhiều nước và nhân lực.

Tính đến hết năm 2020, các đơn vị thành viên TKV đã đầu tư lắp đặt hơn 30 máy phun sương dập bụi cao áp

Từ năm 2018 đến nay, nhằm giảm thiểu bụi trong quá trình sản xuất, TKV đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư lắp đặt hệ thống máy phun sương dập bụi quạt cao áp thay thế dần phương pháp truyền thống trước đó. Khu vực kho bãi chế biến, sàng tuyển than, bến cảng, bãi thải, khu vực gần dân cư, ngay cả trên tuyến vận tải của mỏ lộ thiên cũng là những vị trí cần thiết được TKV yêu cầu lắp đặt hệ thống này.

Hệ thống máy phun sương dập bụi quạt cao áp có bán kính xoay được 180 độ, phun xa, do đó rất phù hợp với điều kiện sản xuất tại các mỏ than trong TKV, dập được lượng bụi lớn và hiệu quả. Tính đến hết năm 2020, các đơn vị thành viên TKV đã đầu tư lắp đặt hơn 30 máy phun sương dập bụi cao áp tại tất cả các vị trí trọng yếu. Nhờ đó, đã giảm thiểu đáng kể lượng bụi phát tán trong quá trình sản xuất.

Đường băng tải vận chuyển than Nép Mỹ tại Cẩm Phả góp phần giảm bụi 

Ngoài ra, để hạn chế ô nhiễm về bụi và tiếng ồn từ các hoạt động sản xuất, bốc xúc, vận chuyển đất đá, các đơn vị đã tập trung đầu tư nhiều công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn tại nơi sản xuất cũng như các khu vực liên quan. Đáng chú ý, TKV đã hoàn thành 11 công trình giảm thiểu bụi ồn, bằng 133% khối lượng đề ra trong Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than. Đó là việc đưa vào hoạt động 2 tuyến băng tải than Khe Ngát – cảng Điền Công và cụm sàng Công ty than Mông Dương cùng nhiều tuyến băng tải trước đó để thay thế hoạt động vận tải than bằng ô tô vốn phát sinh nhiều bụi trước đây.

Song song với việc gia tăng sản lượng khai thác, các giải pháp xử lý nước thải mỏ cũng được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tích cực triển khai. Từ 2019 đến nay, TKV đã rà soát và đầu tư mở rộng, nâng công suất 5 trạm xử lý nước thải mỏ, kết hợp lắp đặt ngay hệ thống quan trắc môi trường tự động tại Trạm +25 Núi Nhện; Trạm -97,5 Mông Dương; Trạm +131 Đồng Vông; trạm Cọc Sáu và trạm 1.200 m3 Mạo Khê, đáp ứng yêu cầu sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

TKV tập trung đầu tư, nâng công suất các trạm xử lý nước thải mỏ, hướng tới mục tiêu “xanh hóa” sản xuất than. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Cùng với đó, đến nay, 57 hệ thống quan trắc môi trường tự động đã được Tập đoàn hoàn thành, tiếp tục duy trì hoạt động, kiểm soát tốt lượng nước thải, khí thải ra môi trường.

Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động bảo vệ môi trường, tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, việc chấm dứt hoạt động Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng từ ngày 31/12/2018; xây dựng và đưa Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai tại Hà Khánh – Hạ Long vào hoạt động ổn định sản xuất từ tháng 4/2019 thực sự là quyết tâm rất lớn của ngành Than để đảm bảo môi trường, việc làm cho người lao động.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng chắc chắn thời gian tới, vẫn còn nhiều vấn đề về môi trường mà các đơn vị ngành than phải làm liên quan tới các bãi thải mỏ, ô nhiễm tiếng ồn tại một số tuyến băng tải, bụi tại một số điểm khai thác…. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng Ban Môi trường TKV khẳng định: Ngành Than sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ, bởi chúng tôi xác định đây là lời giải duy nhất cho bài toán nâng sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường. Do đó, ngành than đã đưa vào sản xuất những công nghệ tiên tiến nhằm giảm sức người, tăng sức máy và đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu những tổn hại đối với môi trường…”

Tập trung phát triển các mỏ theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao” và thực hiện mục tiêu “Đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy”, ngành than mà tiêu biểu là TKV đang hướng tới phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” một cách toàn diện và hiệu quả.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Bài viết liên quan

Bình luận