Social Media

29 Th3 2024

Bài viết

Tin tập đoàn

TKV cam kết về môi trường khi đề xuất khai thác lại mỏ sắt Thạch Khê

Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa đề xuất tái khởi động Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Doanh nghiệp này cũng khẳng định có đủ giải pháp để xử lý môi trường và khai thác dự án hiệu quả.

Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn

TKV đã gửi báo cáo tham luận về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tới các bộ, ngành và Chính phủ. Trong đó, TKV đề xuất nhiều giải pháp về nâng cao hoạt động và phát triển các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này trong thời gian tới.

Đáng chú ý, trong báo cáo của mình, TKV đề xuất tái khởi động Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Dự án – PV). Đồng thời, TKV cũng khẳng định doanh nghiệp có đủ giải pháp để xử lý môi trường và khai thác đạt hiệu quả kinh tế tại dự án.

Lý do đưa ra đề xuất nêu trên, theo TKV, tháng 2/2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế-xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê hoàn thành trước năm 2030.

Dừng dự án sẽ phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt

Được biết, để triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối).

Luỹ kế đến nay, TKV và các nhà đầu tư đã góp 1.800 tỷ đồng vào dự án. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai dự án, từ năm 2017 đến nay dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ, ngành đã kiến nghị xem xét dừng dự án sắt Thạch Khê.

Ngày 6/6, trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ, đại diện TKV cho biết, dừng thực hiện dự án sẽ phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt. Điều này có ảnh hưởng lớn tới các cổ đông đã góp vốn thực hiện dự án, nguy cơ tổn thất vốn, đặc biệt là khó trong việc xử lý khoản nợ hơn 130 tỷ đồng đối với các nhà thầu trong nước và quốc tế, gây lãng phí các hạng mục đã đầu tư.

Ngoài ra, với một dự án từng được đánh giá có nhiều tiềm năng như mỏ sắt Thạch Khê, TKV cho rằng, nếu bị dừng lại sẽ dẫn tới mất một nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Trước đó, theo tính toán, phía TKV cho biết, khi hoàn thành giai đoạn I dự án sẽ nộp ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm; giai đoạn II nộp ngân sách trên 2.800 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, khoảng 3.500 lao động địa phương theo kế hoạch cũng sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm trực tiếp nếu dự án đi vào hoạt động.

Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370-400 triệu tấn

Người lao động đang bị nợ lương nhiều tháng

Đại diện TKV cũng cho hay, do dự án bị dừng lại nên đơn vị triển khai thực hiện là Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) cũng đang phải xoay xở với hàng loạt các khó khăn về tài chính và quyền lợi của người lao động.

Ông Đỗ Đình Thừa, quyền Tổng Giám đốc TIC cho biết, do dự án dừng lại nên đã phải tinh giản người lao động xuống mức tối thiểu để duy trì bộ máy, thời điểm cao nhất là 217 cán bộ công nhân viên, nay chỉ còn lại 68 người.

“Do bị cưỡng chế thi hành chính sách thuế tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nên công ty không tự chủ được tài chính. TIC đang nợ lương người lao động trong nhiều tháng, nguy cơ người lao động không tiếp tục làm việc tại TIC là hiện hữu do không bảo đảm mức sống tối thiểu. Nhiều con em địa phương về quê hương theo thu hút của dự án đã phải nghỉ việc và đi tìm kiếm việc làm khác”, ông Đỗ Đình Thừa cho biết.

Về hoạt động sản xuất, khai thác, việc dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê khiến công ty này không có nguồn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất thép trong nước mà TIC đã cam kết cung cấp.

Mặt khác, do dự án chưa được triển khai, TIC cũng không có cơ sở để tiếp tục huy động các nguồn vốn dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện công các công trình an sinh xã hội cho các xã vùng ảnh hưởng bởi dự án; thực hiện các nghĩa vụ tài chính như trả nợ cho các khoản nợ đối với các nhà thầu, nộp các khoản thuế, phí liên quan…

Hiện tại, TIC đang phải đề xuất TKV cùng các cổ đông khác tiếp tục hỗ trợ chi trả tiền lương, bảo hiểm y tế cho người lao động từ quỹ phúc lợi của TKV.

Bảo đảm lựa chọn công nghệ khai thác tiên tiến, an toàn môi trường

Đối với lo ngại của UBND tỉnh Hà Tĩnh về các tác động môi trường, đại diện Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được tính toán, lựa chọn áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam, bảo đảm hiệu quả, an toàn, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.

Đáng chú ý, về giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng nguồn nước, hạ mực nước ngầm, TIC đưa ra các giải pháp bao gồm: Đền bù, tái định cư cho các hộ dân; xây dựng Nhà máy nước Thạch Trị (85 tỉ đồng) cung cấp nước sạch cho khu vực bị ảnh hưởng và các xã lân cận dự án…

Trên thực tế, phía công ty này cho hay, nếu dự án mỏ sắt Thạch Khê được mở lại sẽ bảo đảm cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho các cơ sở luyện kim trong nước; giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam, đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao.

Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009.

Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370-400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10-15 triệu tấn mỗi năm. Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hằng năm 0,3-1%.

Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 6.700 tỷ. Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đến nay, tổng diện tích dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1 ha, trong đó 741,3 ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8 ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án đến nay đạt 1.798,29 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỷ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỷ đồng.

Nguồn: baochinhphu.vn

Bài viết liên quan

Bình luận